Trang chủ > Uncategorized > SÓI ĐỒNG HOANG

SÓI ĐỒNG HOANG

HERMANN HESSE

(truyện vừa), Chơn Hạnh – Phùng Thăng dịch từ bản tiếng Pháp Le loup des steppes, NXB Ca Dao, 1969.

Tác phẩm thi vị có thể hiểu và hiểu lầm trong nhiều cách. Trong hầu hết các trường hợp thì tác giả không có cái quyền uy thích đáng để quyết định nơi nào độc giả thôi hiểu biết và hiểu lầm khởi đầu. Nhiều tác giả đã nhận ra những độc giả mà đối với họ thì hình như tác phẩm của ông ta phân minh hơn chính ông ta nhận thấy. Tuy nhiên, sự hiểu lầm có thể là do kết quả ở dưới những hoàn cảnh nhất định nào đó.

Song trong tất cả các tác phẩm của tôi thì hình như Sói Đồng Hoang là một tác phẩm thường bị hiểu lầm dữ dội hơn bất cứ tác phẩm nào khác mà mới đây sự hiểu lầm ấy là sự xác định có thực và thuộc về số độc giả nhiệt thành, hơn là thuộc về những kẻ phủ nhận cuốn sách, kẻ đã phản ứng lại nó một cách kỳ dị. Một phần, nhưng chỉ một phần thôi, điều này có thể xuất hiện thật thường xuyên bởi cái lý do của sự thật của quyển sách này, được viết khi tôi đã năm mươi tuổi đời và liên quan tới, như nó là thế, với những vấn đề của tuổi tác đó, thường thường lại rơi vào tay những độc giả rất trẻ.
Nhưng giữa những độc giả của cỡ tuổi tôi, tôi cũng lại rằng tôi đã nhận thấy một số – mặc dù họ đã cảm kích bởi tác phẩm – đủ lạ lùng sao là họ chỉ nhận thức được có phân nửa những gì mà tôi muốn nói ra thôi. Những độc giả này đối với tôi, hỉnh như đã tự nhận ra họ trong Sói Đồng Hoang, đã tự đồng hóa họ với hắn, và đã mộng những giấc mộng của hắn. Song họ đã bỏ qua các sự kiện mà tác phẩm này biết đến và nói đến những điều khác nữa bên cạnh Harry Haller và những khó khăn của hắn, về một thế giới thứ hai, cao cả hơn, không thể hủy diệt được, vượt quá Sói Đồng Hoang và cái cuộc sống mơ hồ của hắn. Phần ” Luận về Sói Đồng Hoang ” và hết thảy những dấu vết nọ trong tác phẩm liên quan với những vấn đề của tinh thần, của nghệ thuật và những con người ” bất tử ” chống lại cái thế giới khốn khổ với một niềm tin khẳng quyết, điềm tĩnh, cá nhân phi phàm và cái thế giới phi thời gian của Sói Đồng Hoang. Tác phẩm này, không ngờ gì nữa, kể lại những nỗi thống khổ và những điều tất yếu; vẫn không phải là một tác phẩm của con người thất vọng, nhưng của con người tin tưởng.

Dĩ nhiên, tôi cũng chẳng thể có ý định nói với các độc giả của tôi họ phải làm thế nào để hiểu biết câu chuyện kể của tôi. Có thể là mỗi người tìm thấy trong đó những gì đánh lên một hòa âm trong con người họ và có thể có một vài hữu ích cho họ! Nhưng tôi sẽ sung sướng nếu có nhiều người trong bọn họ nhận ra rằng câu chuyện Sói Đồng Hoang phác họa ra một bệnh trạng và khủng hoảng – nhưng không phải dẫn đến cái chết và hủy hoại, mà trái lại : dẫn đến chữa trị.

HERMANN HESS

Sách này gồm những di bút của người được chúng tôi đặt cho biệt danh mà chính ông cũng thường dùng để tự gọi mình: con Sói Đồng Hoang. Có cần đôi lời giới thiệu tập thủ bút này chăng? Về phần tôi, tôi nhận thấy cần thêm vào câu chuyện Sói Đồng Hoang này một vài trang trong đó tôi sẽ cố ghi lại những hoài niệm tôi còn lưu giữ được về ông. Tôi biết rõ là mớ hoài niệm này thật quá ít ỏi, càng ít ỏi hơn nữa khi tôi hoàn toàn mù tịt về lai lịch cùng toàn thể dĩ vãng của ông. Nhưng nhân cách ông đã để lại trong tôi một ấn tích sâu đậm mà dù sao chăng nữa, phải bảo là dễ mến.

Con Sói Đồng Hoang là một người vào trạc ngũ tuần khi ông đến nhà bà cô tôi để hỏi thuê một căn phòng cùng với đồ đạc cách đây vài năm. Ông thuê một căn gác xép và cái phòng ngủ nhỏ bên cạnh. Vài hôm sau ông trở lại với hai chiếc vali và một thùng lớn chứa đầy sách. Ông sống yên lặng rất ẩn dật cô tịch và giá không có những cuộc gặp gỡ trong thang gác hay hành lang vì phòng hai người nằm liền bên thì có lẽ chúng tôi không bao giờ quen biết nhau. Ông không phải là người dễ làm quen. Trái lại, ông ít giao thiệp đến độ tôi chưa thấy ai như thế bao giờ; ông đúng là một con Sói Đồng Hoang như có đôi lần ông bảo: vẻ xa lánh, tàn bạo, yếm thế, sợ sệt, kinh hãi nữa là khác; ông thuộc về một thế giới không phải thế giới của tôi. Do số mệnh và bản chất, ông đã lao mình vào một vực thẳm cô đơn lạnh người và ông đã ý thức cùng chấp nhận tình trạng đó một cách tuyệt diệu ngần nào! Sự đơn độc dường như là điều kiện thiết yếu của đời ông. Điều đó tôi chỉ biết rõ về sau này nhờ những lưu bút để lại đây khi ông bỏ đi. Nhưng thưở ấy nhờ nhiều cuộc gặp gỡ và chuyện trò tôi cũng đã biết đôi phần về ông và hình ảnh của ông do những lưu bút gợi lại cũng phù hợp với hình ảnh gợi nên trong trí tôi do những mối liên lạc giữa hai người; dĩ nhiên là hình ảnh trước kém linh động, kém hoàn hảo hơn loại hình ảnh sau này nhiều .

Tình cờ, tôi có mặt tại chỗ lúc nào con Sói Đồng Hoang đến nhà chúng tôi đầu tiên rồi trở thành khách trọ của bà cô tôi. Ông ta đến vào giờ ăn trưa, bàn ăn chưa kịp dẹp, và tôi còn rảnh nữa giờ trước khi đến sở. Tôi không quên được ấn tượng đặc biệt, có tính cách lập lờ nước đôi về buổi đầu gặp gỡ. Ông đi vào bằng lối cửa gương sau khi đã dừng lại kéo chuông trên ngưỡng cửa và có tôi, lúc đó đang ở trong hành lang mờ tối, lên tiếng hỏi xem ông cần gì. Ông ta – con Sói Đồng Hoang ngẩng cao chiếc đầu nhọn tóc ngắn lởm chởm lên, đánh hơi thăm do một cách bồn chồn nóng nảy trong không khí rồi buộc miệng trước cả khi trả lời và xưng danh tánh:

“Ồ! Ở đây thơm tho tinh khiết quá”.

Nói xong, ông cười, và bà cô tôi cười theo. Riêng tôi, tôi thấy lời giáo đầu có phần lạ lẫm, và cảm thấy hơi khó chịu đối với ông.

“Thưa – ông trả lời, tôi đến hỏi thăm cái phòng cụ định cho thuê.”

Tôi chỉ có thể quan sát ông gần hơn khi cả ba chúng tôi lên thang dẫn đến căn gác xép. Ông không cao lắm, nhưng lại có bộ đi và dáng đầu của một người cao lớn. Ông vận một chiếc áo khoác mùa đông, vừa vặn, hợp thời trang; ông phục sức đúng điệu nhưng không cầu kỳ. Mặt cạo nhẵn và tóc hớt ngắn, lốm đốm hoa râm. Dáng đi của ông mới đầu làm tôi khó chịu, nó có vẻ gì là lúng ta lúng túng và bất quyết, không phù hợp chút nào với nét sắc sảo của khuôn mặt và âm điệu, khí chất của giọng nói. Chỉ về sau, tôi mới biết rằng ông bị bệnh và đi đứng đối với ông là một cố gắng mệt nhọc. Với một nụ cười đặc biệt, mà vào lúc đó lại cũng làm tôi khó chịu, ông chăm chú nhìn ngắm cầu thang, các bức tường, cửa sổ, chiếc tủ xưa; mọi thứ dường như đều thích hợp đối với ông, nhưng đồng thời cũng làm cho ông muốn cười rộ lên. Con người đó như đến với chúng tôi từ một hành tinh khác, từ một miền hải ngoại xa xôi nào đó. Ông thấy tất cả mọi sự đều rất dễ mến, nhưng lại có vẻ hơi kỳ quặc. Ông cư xử lễ phép, thật thế, và còn khả ái nữa. Không kỳ kèo bàn cãi, ngay tức khắc ông ngỏ lời bằng lòng về căn nhà, về căn phòng, giá cả, tiền ăn sáng; tuy nhiên, từ con người ông toát ra một bầu không khí lạ lẫm mà tôi thấy dường như đang bao phủ chung quanh ông một cách tàn ác. Ông thuê căn gác xép cùng cái phòng ngủ nhỏ, hỏi thăm chi tiết về chuyện sưởi, nước, người hầu, nhà cửa, lắng nghe một cách chăm chú và tử tế, đưa tiền trước ngay, nhưng dầu vậy cùng lúc đó ông cũng lại có vẻ như đang tự cười nhạo, chế diễu chính mình, tựa hồ việc đi mướn nhà, tiếp chuyện và bàn bạc về nó là một điều mới lạ đối với ông, trong khi thực ra, từ phần thâm sâu nhất, tự trong nội tâm ông, ông đang bận bịu với một điều gì khác hẳn. Đó dường như là cảm tưởng đầu tiên của tôi, và cảm tưởng đó quả không tốt đẹp gì nếu như không có muôn ngàn nét nhỏ nhặt phản đối và sửa chữa lại. Ngay từ lúc đầu, khuôn mặt của ông đã chiếm ngự được lòng tôi, mặc dù cái vẻ xa vắng phảng phất: khuôn mặt tựa hồ mang nét kinh ngạc và u buồn, nhưng sáng suốt, trầm tư, linh hoạt và trí thức. Tôi cũng mến cái giọng nói khiêm nhu của ông. Gịong ông trau chuốt nhưng không có lẫn mảy may kênh kiệu. Trái lại, người ta cảm nhận ra nơi giọng nói ấy một ý hướng gần như để làm động lòng người, như thể một vẻ gì van lơn mà chỉ về sau tôi hiểu, nhưng ngay lúc đó, đã cuốn hút lấy tôi.

Trước khi cuộc viếng thăm nơi ăn chốn ở kết thúc và phần thương lượng xong xuôi, giờ ăn trưa đã qua và tôi phải trở lại văn phòng. Tôi cáo từ ông khách và để ông lại với bà cô. Chiều đến, khi về nhà, cô tôi bảo rằng ông ta đã thỏa thuận thuê phòng và sắp dọn đến, duy ông chỉ xin bà cô tôi một điều là đừng thông báo cho cảnh sát, viện lẽ, ốm yếu như ông làm sao chịu nỗi những thủ tục và những buổi chờ chực lâu lắc ở cửa quan? Tôi nhớ rất rõ ràng sự cẩn thận ấy làm cho tôi lo lắng và tôi báo động cho bà cô không nên nhận lời ông khách lạ. Tôi thấy sự e ngại cảnh sát kia quá phù hợp với những vẻ quái dị lạ lùng, với vẻ xa vắng trong cách cư xử của ông, khiến tôi không khỏi sanh nghi. Tôi đã giải thích cho cô tôi rõ rằng, dầu viện bất cứ nguyên cớ nào, cô cũng không nên chấp nhận điều kiện đặc biệt đó đối với một người lạ mặt, vì trong vài trường hợp nó có thể gây ra những hậu quả không hay. Nhưng cô tôi đã hứa nhận ông ta rồi. Tóm lại, bà đã bị lôi cuốn và mê hoặc bởi người khách lạ. Vả lại, không bao giờ cô tôi thu nhận khách trọ mà lại không duy trì với họ những liên hệ đầy tình người, thân mật, bằng hữu hay nói cho cùng, những liên hệ như tình mẹ đối với con, điều mà hơn một người khách trọ trước đây đã không quên lợi dụng. Thế nên trong suốt mấy tuần đầu, tôi đã nhiều phen chỉ trích người khách trọ mới, trong khi mỗi lần như vậy, cô tôi lại nồng nhiệt bênh vực ông ta.

Chuyện dính líu tới cảnh sát đó khó làm cho tôi hài lòng, nhưng ít ra tôi cũng biết những điều mà cô tôi biết được về ông khách, liên quan đến lai lịch cùng những dự tính của ông. Mặc dù trưa đó, sau khi tôi cáo biệt, ông chỉ ở lại có một lúc ngắn, cô tôi cũng đã biết được đôi điều về ông. Ông nói với cô tôi ông định lưu lại vài tháng trong thành phố, lui tới các thư viện để khảo cứu những vấn đề thời cổ. Tình thực, cô tôi không muốn cho thuê phòng trong một thời gian quá ngắn như thế. Nhưng ông khách đã làm cô tôi xiêu lòng mất rồi, mặc dù cái vẻ bề ngoài của ông làm ta ngạc nhiên khó chịu. Nói tóm lại, căn phòng đã cho thuê, và những lời phản đối của tôi đến quá muộn .

“Tại sao ông ấy lại bảo rằng ở đây thơm tho tinh khiết chứ?”, tôi hỏi

Cô tôi, vốn đôi khi cũng linh mẫn tinh ý, liền trả lời:

“Chuyện ấy thì cô hiểu lắm. Trong nhà ta có tỏa ra một vẻ gì ngăn nắp, sạch sẽ, một cuộc sống lành mạnh và thích nghi. Đó là điều làm cho ổng hài lòng. Dường như ổng không còn quen thuộc với những thứ đó nữa, và ổng thấy thiếu thốn”

Phải rồi, đúng thế, tôi nghĩ. Nhưng rồi, tôi nói – nếu ổng không còn quen thuộc với một đời sống thích nghi và có tổ chức, trật tự hẳn hoi, thì chuyện gì sẽ xảy ra đây? Cô sẽ làm sao nếu ông bê bối và bôi bẩn hết mọi thứ, nếu ông say sưa bí tỉ rồi trở về nhà vào những giờ khuya khoắc.

“Để rồi xem”. Bà cô tôi vừa cười vừa nói, và tôi để yên cho bà về mặt đó.

Qủa vậy, những lo ngại của tôi trở thành vô căn cứ. Người khách trọ ấy, mặc dù không bao giờ sống cuộc đời hợp lí, thứ tự, ngăn nắp cả, nhưng lại chẳng làm phiền hại cũng không quấy rầy gì đến chúng tôi. Ngay cả hôm nay, chúng tôi còn nghĩ đến ông trong sự vui lòng. Tuy nhiên, người đàn ông nọ đã phiền rầy, quấy nhiễu tận cùng ý thức và thâm tâm của hai người chúng tôi – bà cô tôi và tôi. Và thật ra, mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn chưa dứt nợ hẳn với ông. Ban đêm, đôi lần tôi nằm mơ thấy ông ta hiện ra; trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn, tôi cảm nghiệm một nỗi âu lo và xao xuyến chỉ vì sự kiện rằng từng có một con người như vậy, dù người đó đã hầu như trở thành thân thiết quá đối với tôi.

Hai ngày sau, người tài xế đưa lên những chiếc vali của người khách lạ, tên là Harry Haller. Một chiếc vali bằng da rất đẹp gây cho tôi cảm tưởng tốt, ngoài ra còn một vali lớn, phẳng mặt tựa hồ là chứng tích của những cuộc viễn du; ít ra tôi cũng đoán được điều đó nhờ nó được dán đầy nhãn hiệu khách sạn và những hiệp hội du lịch của các nước khác nhau, cả đến những nước bên kia đại dương.

Rồi ông khách xuất hiện – và tôi khởi sự bước vào sự quen biết con người kỳ lạ đó. Thoạt tiên, tôi chẳng biết gì khả dĩ giúp tôi đi đến chỗ quen biết. Mặc dầu ông đã làm tôi chú tâm lưu ý ngay từ khi sơ kiến, tôi vẫn không hề cố gắng chút nào để gặp gỡ hay bắt chuyện với ông suốt trong những tuần lễ đầu tiên. Bù lại, tôi xin thú nhận là đã theo dõi ông ngay từ đầu. Đôi khi, nhằm lúc ông vắng mặt, tôi đã lẻn vào phòng ông; nói tóm lại là vì tò mò, tôi đã rình dò lục soát chút đỉnh.

Tôi đã đưa ra vài chỉ dẫn về diện mạo của con Sói Đồng Hoang. Thoạt nhìn, ông đã gây ngay cho người khác mối thâm tín rằng ông là một người đáng chú ý, hiếm hoi và giàu thiên bẩm; khuôn mặt ông đầy vẻ trí thức, vẻ linh động không cùng của những nét mặt biểu lộ rõ một cuộc sống nội tâm phong phú, sinh động, cực kỳ tế nhị và nhạy cảm. Trong cuộc đàm luận, một khi ông rời bỏ thứ ngôn ngữ bình thường, ước định – điều hiếm khi xảy ra -, một khi ông từ bỏ thái độ xa vắng, để mặc cho những ý kiến riêng tư tuôn trào, những ý kiến đặc biệt của riêng ông, thời lập tức ông khuất phục được chúng tôi ngay. Dáng điệu trầm mặc hơn bất cứ người nào tôi được biết, mỗi khi bàn luận đến những đề tài trí thức, ông có cái vẻ tự chủ gần như lạnh lùng của những người chỉ còn cần đến những sự kiện, những người đã suy tư và hiểu biết, thái độ chỉ duy những người trí thức thực sự mới có thể được như vậy; những người không hề nghĩ đến cả chuyện thuyết phục kẻ khác theo ý kiến mình, dành lẽ phải và phần thốt lời tối hậu cho mình.

Tôi còn nhớ một trong những lời phê phán của ông – thật ra, đấy phải chăng là một lời phê phán? Vì nó chỉ gồm trong một nét nhìn . Lúc đó vào khoảng cuối thời gian ông lưu trú nơi đây. Một nhà phê bình danh tiếng, vừa là một triết gia và sử gia, nổi danh khắp Âu Châu, đến diễn thuyết tại tỉnh nhà, và tôi đã thành công trong việc rủ được con Sói Đồng Hoang đi cùng, vì thoạt đầu, ông chẳng hề mảy may muốn dự. Chúng tôi ngồi cạnh nhau. Khi thuyết trình viên đăng đàn, bắt đầu bài diễn thuyết, ông ta đã làm thất vọng hơn một thính giả vốn tin tưởng là sẽ tìm thấy nơi ông một thứ tiên tri của thời đại. Bộ dáng bề ngoài của ông hơi chải chuốt và sặc mùi tình cảm. Ông bắt đầu bằng những lời tán dương thính giả và cảm ơn số người tham dự đông đảo. Con Sói Đồng Hoang liếc vội tôi, và bằng thoáng nhìn đó, phê phán những lời lẽ cùng toàn thể nhân cách của diễn giả; một cái nhìn khủng khiếp tôi không tài nào quên nổi, cái nhìn mang một ý nghĩa đủ làm đề tài viết đầy cả một cuốn sách. Cái nhìn chế diễu nhẹ nhàng nhưng đầy vẻ thống ngự nọ còn khốc liệt hơn cả sự chỉ trích nhà hùng biện, còn hơn cả sự hủy diệt bậc vĩ nhân nọ thành hư vô sương khói. Cái nhìn đó toát ra vẻ âu sầu buồn bã hơn là chế diễu, một nỗi buồn sâu hun hút như hố thẳm không đáy biểu lộ một nỗi tuyệt vọng hầu như đã thành cố định, đã trở thành hình thức và thói quen. Bằng sự sáng suốt vô vọng, cái nhìn không những soi tỏ, châm biếm và hư vô hóa con người của diễn giả, gói ghém trong thái độ hiện tại, và cùng với nó, cả sự chờ đợi lẫn thái độ đầy kính ngưỡng của đám đông thính giả, lẫn cái nhan đề hợm hĩnh của bài thuyết trình, mà cái bài đó còn xuyên thủng cả thời đại của chúng ta, tính dễ cảm cần cù, thái độ hãnh tiến, tự túc tự mãn, cái trò đùa nông cạn hạ cấp của nền trí thức vênh váo nhạt phèo của thời đại chúng ta. Hỡi ôi! chỉ chừng đó thôi sao? Cái nhìn phóng sâu hơn nữa, vượt qua những đói khát và những tuyệt vọng của một thời đại, một trí thông minh, một nền văn hóa. Cái nhìn động đến giữa lòng thực thể, diễn tả thật hùng hồn, chỉ trong một khoảnh khắc phù du, tất cả những mối hoài nghi căn bản của một nhà tư tưởng, một con người quán triệt về phẩm cách của mình, về chính ý nghĩa cuộc nhân sinh. Cái nhìn ấy thốt lời trong câm lặng: “Hãy nhìn những con khỉ múa rối là chúng ta đây! Hãy nhìn đi, con người là thế đấy!” Và thanh danh, và ánh sáng, và những thắng lợi của tinh thần, những đà thúc đẩy tâm hồn hướng về sự hùng vĩ cao đại và sự vĩnh cữu hóa những gì mang chất con người, tất cả đều bị sụp đổ, tất cả chỉ thuần là những trò khỉ, những trò múa rối.

Tôi chợt nhận ra rằng tôi đã tiết lộ trước những điều quan trọng trái với dự tính cùng ước vọng ban đầu, tôi đã nói ra phần cốt yếu về Haller, mặc dầu ban sơ tôi đã chủ định là chỉ phơi bày vén mở dần dà theo những mức độ liên hệ giữa hai chúng tôi.

Giờ đây, quả là thừa khi cứ mãi nói đến thái độ xa lạ một cách kỳ dị nơi Haller, và cứ đem ra kể lể từng chi tiết chuyện tôi đã đoán được cùng nhận biết những lý do và ý nghĩ của vẻ xa lạ đó, sự đơn độc ghê gớm và phi thường đó ra sao. Càng hay, vì tôi thích đặt bản thân mình vào sau hậu trường hơn. Tôi không muốn trình bày lời tự thú của mình, cũng chẳng muốn viết nên một truyện ngắn, hay phân tích tâm lý gì cả. Với tư cách là một chứng nhân mắt thấy tai nghe, tôi chỉ muốn đóng góp phần nào việc gợi lại hình ảnh con người độc đáo đã lưu lại tập thủ bút mà quý vị sắp đọc sau đây.

Trong buổi đầu gặp gỡ, khi ông ta đi vào nhà bà cô tôi qua lối cửa kính, và ngẩng đầu lên như những con chim, khen tụng cái mùi vị thơm tho tinh khiết ngự trị trong căn nhà, tôi đã cảm nhận một vẻ gì khác thường nơi ông, do đó phản ứng đầu tiên và ngây ngô của tôi là phòng bị. Tôi đánh hơi thấy (và cả bà cô tôi, dù khác hẳn tôi, nhưng cũng chỉ là một người trí thức, cũng đánh hơi thấy) ông khách này đang mang một cơn bệnh tâm thần, một căn bệnh thuộc tâm hồn, tính khí. Tôi phản kháng ông bằng tất cả sức mạnh bản năng muốn làm người lành mạnh nơi mình. Theo dòng thời gian, sự phản kháng đó đã biến thành thiện cảm. Một mối thương cảm bao la đã nảy sinh trong tôi đối với con người đau khổ triền miên u uẩn, người mà tôi đã quan sát thấy cơn dày vò nội tâm dữ dội. Trong khoảng thời gian đó, dần dần tôi hiểu rằng căn do của chứng bệnh ông không phát sinh do một tình trạng thua kém trong bản chất con người ông, mà trái lại, chỉ vì ông quá sung mãn về thiên tư và sức mạnh sáng tạo. Nhưng đã không biết hòa hợp chúng với nhau, và tình trạng sung mãn của ông không đạt được đến hòa điệu quân bình. Tôi trực nhận ra rằng Haller là một thiên tài của đau khổ, ông mang trong người một khả năng khổ đau triền miên vô hạn, khủng khiếp, và thiên tài theo nghĩa của Nietzche. Cũng chính vì thế mà thái độ bi quan của ông không căn cứ trên sự khinh bỉ thế giới và loài người nhưng dựa trên sự khinh bỉ phỉ nhổ chính bản thân mình; dù sự chế diễu một người hay một định chế có mang tính chất gay gắt, tàn diệt đến đâu chăng nữa, chẳng bao giờ ông tự đặt mình làm trường hợp ngoại lệ cho sự chế diễu đó. Luôn luôn ông là người đầu tiên quỵ ngã dưới chính những cú phê phán của mình, người đầu tiên tự thù hận và tự đầy đọa mình trong địa ngục.

Tôi phải ghi lại đây một nhận xét có tính cách tâm lý. Mặc dù ít biết gì về đời sống của con Sói Đồng Hoang, tôi có lý do chính để tin rằng ông đã được nuôi dưỡng bởi những bậc phụ huynh và sư phụ đầy từ ái, nhưng nghiêm khắc và tín mộ nhiệt thành, những vị đó đã giáo dục căn cứ trên sự cần thiết phải “đập vỡ ý chí”. Đối với cậu học trò kia, sự phá hủy nhân cách, đập vỡ ý chí đã bị thất bại thảm thương. Cậu quá mạnh mẽ và kiên cường, quá kiêu hãnh và quá thông minh. Thay vì phá hủy nhân cách, họ đã làm cho cậu thù hận nhân cách. Cậu đã dùng tài năng, sự kỳ quái của mình, sức mạnh của trí óc mình để thường xuyên tấn công, phủ phàng không chút xót thương vào chính bản thân mình, đối tượng cao nhã thật sự. Về điểm này Haller tỏ ra tự trong bản tính là một người Kytô giáo và một kẻ tuẩn đạo, bởi vì tất cả những phê bình chỉ trích, những bạo động dữ tợn, những bài xích bác bỏ mà ông sử dụng đến đều trước hết là để chống lại chính ông. Đối với tha nhân và thế giới vây quanh, ông đã cố gắng một cách liên tục và anh dũng để yêu thương họ, công bằng với họ, không làm hại họ vì câu châm ngôn “Hãy yêu kẻ đồng loại” được ghi tạc trong tâm khảm ông cũng đậm nét như là sự thù hận chính bản thân mình: như thế, trọn cuộc đời ông há chẳng phải là chứng cứ hùng hồn minh chứng rằng không thể yêu thương đồng loại nếu như không tự yêu thương chính mình, và lòng thù hận đối với chính mình cũng đồng nghĩa với lòng vị kỷ và cũng gây nên một tình trạng cô độc kinh khiếp, cùng một nỗi tuyệt vọng, hay sao?

Nhưng đã đến lúc nên quay về với thực tại. Điều tôi biết trước tiên về Haller, một phần nhờ sự rình mò lục soát, một phần do những nhận định của bà cô – liên hệ đến lối sống của ông. Dễ mà nhận ra rằng ông hiến trọn thời giờ cho sự trầm tư và đọc sách, và ông không hành một nghề thực tế nào. Luôn luôn ông nán lại lâu trên giường, chỉ thức dậy vào khoảng giữa trưa và, vẫn mặc áo ngủ, ông đi sang phòng khách riêng, cách phòng ngủ vài bước. Căn phòng khách trên gác xếp là một căn phòng rộng rãi và sáng sủa, có hai cửa sổ; từ khi ông đến, căn phòng đã mang một vẻ gì khác với lúc những người khách trọ trước đây. Theo với thời gian, dần dần những bức tranh, bức họa được treo lên tường. Ông ghim vào tường những hình ảnh cắt trong báo và thay đổi luôn. Một phong cảnh miền Nam, một làng nhỏ nước Đức, có lẽ là quê hương của ông, những bức thủy thái họa với màu sắc rực rỡ, mà chỉ về sau chúng tôi mới biết là do Harry Haller tự tay vẽ lấy; bức ảnh của một thiếu phụ hay thiếu nữ gì đó, thật đẹp; có lúc là một tượng Phật Thái Lan, rồi được thay bằng họa phẩm “Đêm” của Michelangelo rồi đến chân dung của thánh Gandhi. Sách vở không những chứa đầy trong kệ mà còn vung vải khắp các bàn, trên chiếc bàn viết mỹ lệ, cổ kính, trên đi-văng, ghế, sàn nhà. Những cuốn sách đầy giấy ngăn, được đổi mới thường xuyên. Số lượng của chúng cứ tăng dần lên mãi, vì không những ông mang từng gói lớn từ các thư viện về, mà còn luôn luôn nhận được từ nhà bưu điện. Người đang sống trong căn phòng đó hẳn là một học giả. Khói thuốc quyện đầy phòng đã góp phần tạo nên cảm tưởng đó . Những mẫu thuốc , những cái gạt tàn rải rác khắp nơi. Tuy nhiên, phần lớn những sách đó không phải là sách khoa học; đa số là những thi phẩm của mọi dân tộc và mọi thời đại. Có hồi rải rác trên đi-văng, nơi ông nằm dài cả mấy ngày tròn, tôi thấy sáu tập của một tác phẩm nhan đề là “Cuộc du lịch của Sophie de Memel ở Save”, vào cuối thế kỷ mười tám. Những tác phẩm trọn bộ của Geothe và Jean Paul hình như rất năng được ông dùng đến, cũng như tác phẩm của Novalis. Nhưng cũng có cả những sách của Lessing, Jacobi, Lichtenberg. Vài cuốn của Dostoivsky đen nghẹt những ghi chú. Trên chiếc bàn lớn, giữa những cuốn sách thường có một cọng hoa, bên cạnh là một hộp màu luôn luôn đầy bụi bám; kế cận là những cái gạt tàn thuốc và, để khỏi ỉm đi sự kiện này, những chai đầy rượu. Một chai trong chiếc rổ đan bằng rơm chứa thứ rượu Ý mà ông mua ở quán bên cạnh, hay là rượu Bourgogne, rượu Malaga gì đó. Tôi cũng thấy một chai cherry lớn mà ông nốc gần cạn trong một thời gian ngắn. Sau đó, chiếc chai bị vứt vào góc phòng, bụi bặm phủ đầy, và ông không bao giờ uống nốt phần còn lại.

Tôi không muốn biện minh cho sự dò xét tò mò của mình. Tôi xin thành thật thú nhận rằng trong những lúc đầu, tất cả những dấu hiệu của một đời sống thiếu quy cũ và phân tán của ông, mặc dù được nuôi dưỡng bằng những đam mê trí thức, đã gợi nên trong trí tôi, sự nghi ngại và ghê tởm. Tôi chẳng những là một người thuộc giới trưởng giả, sống một cuộc đời quy cũ, mà còn là người rất tiết độ và không hút thuốc. Những chai rượu trong phòng Haller còn làm tôi rầu lòng hơn cả mọi thứ khác trong sự bừa bãi khủng khiếp đó. Dầu nhìn dưới khía cạnh ăn uống cũng như ngủ nghê, người khách lạ đó sống một cách không bình thường theo những phút bốc đồng và những cơn thay đổi tính khí bất thường. Có vài hôm, ông chẳng hề bước chân ra khỏi cửa, suốt ngày chỉ dùng một bữa điểm tâm, đồ thừa của bữa ăn là một đống vỏ chuối mà bà cô tôi gặp sau đó, những lần khác, ông đi ăn tiệm, từ những nơi thanh lịch và nổi tiếng nhất cho đến những quán cơm bình dân vùng ngoại ô. Dường như ông không được khỏe. Ông kéo lê chân, vẻ đau đớn khi phải lên thang gác; hình như ông bị đau ngầm trong người, có lần ông buột miệng bảo rằng từ nhiều năm nay, ông ăn và ngủ không được thường. Tôi cho nguyên cớ chính là vì ông thiếu điều độ. Về sau, thỉnh thoảng khi theo chân ông đến một trong những quán rượu ông thường lui tới, tôi nhận thấy ông uống rượu với vẻ thô bạo, uống từng ngụm lớn. Nhưng tôi và mọi người khác chưa hề thấy ông thực sự say bao giờ.

Không khi nào tôi quên được cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, cuộc gặp gỡ có một tính chất riêng tư. Chúng tôi quen nhau hệt như những người ở kế cận nhau trong cùng một tòa nhà. Một buổi chiều đi làm về tôi ngạc nhiên thấy Haller ngồi trên khoảng hành lang giữa tầng nhất và tầng hai. Vì ngồi trên bậc thang trên, ông thu người lại nhường chỗ cho tôi bước lên. Tôi hỏi ông có thấy khó chịu trong người không và ngỏ ý được dẫn ông về phòng.
Haller chăm chú nhìn tôi, và tôi chợt nhận ra rằng tôi vừa thức ông dậy từ một cơn mơ mộng. Chậm chạp, ông mỉm cười – nụ cười khả ái và đáng thương chiếm được lòng tôi, đoạn ông mời tôi ngồi xuống cạnh ông. Tôi cám ơn và bảo rằng tôi không quen ngồi trong cầu thang trước những căn phòng của những người chủ trọ khác.

“À, vâng – ông bảo và lại mỉm cười, ông có lý. Nhưng thư thả đã, tôi phải nói ngay cho ông biết lý do khiến tôi ngồi đây”.

Nói đến đây, ông chỉ cho tôi hành lang của căn nhà tầng nhất, nơi cư trú của một góa phụ. Giữa cầu thang, cửa sổ và cửa kính, là một chiếc tủ bằng gỗ đào hoa tâm, trước tủ, đặt trên hai chiếc giá nhỏ là hai cây đỗ quyên và sâm Nam Dương. Hai thân cây đẹp, sạch sẽ, được chăm sóc chu đáo; chính tôi, tôi cũng đã khoan khoái lưu tâm đến hai loại cây đó.

“Ông thấy không, – Haller tiếp, cái hành lang nhỏ với cây sâm Nam Dương đó thật thơm tho tinh khiết. Tôi không thể nào qua đó mà không dừng lại một chốc. Nơi bà cô của ông, cũng sạch sẽ tinh khiết và ngăn nắp, nhưng cái hành lang có cây sâm Nam Dương này quá tinh sạch, không vẩn một chút bụi, được lau chùi, đánh bóng, vô nhiễm đến độ tỏa ra ánh sáng, thực vậy. Tôi cứ phải dừng chân lại luôn để thở hít đầy buồng phổi cái không khí đó. Ông, ông không cảm nhận điều gì sao? Cái mùi dầu đánh bóng gỗ có thoang thoảng nhựa thông ấy, với nước bóng của gỗ đào hoa tâm, của cành lá được rửa sạch, thoát tỏa ra một mùi hương, một phẩm vật tinh khiết được chưng cất từ sự tinh sạch trưởng giả, từ sự săn sóc, sự chăm chút tủn mủn, sự hoàn tất những bổn phận, sự trung thành trong những việc nhỏ nhặt nhất. Tôi không biết ai đang sống trong căn nhà đó; nhưng ở đằng sau cánh cửa gương ấy phải là một thiên đường của phong thái trưởng giả tinh sạch, của trật tự, của sự gắn bó đầy sợ hãi và xúc động đối với những tập quán nhỏ nhặt và những bổn phận nhỏ nhoi”.

Thấy tôi vẫn im lặng, ông tiếp. “Xin ông đừng tưởng rằng tôi đang châm biếm hay khôi hài. Thưa ông, quả tôi không hề có ý châm biếm cái nề nếp và phong thái trưởng giả kia. Thật thế, tôi sống trong một thế giới khác hẳn, không phải trong thế giới đáng trọng đó, và có lẽ tôi sẽ không sửa soạn để sống dù chỉ là một ngày trong căn nhà có những cây sâm Nam Dương như vậy. Nhưng mặc dầu chỉ là một con Sói Đồng Hoang già cỗi và mòn mỏi, trong quá khứ, tôi vẫn là con trai của một bà mẹ, và mẹ tôi là một người đàn bà thuộc giai cấp trưởng giả đã từng săn sóc những cây cảnh, chăm chút các căn phòng, cầu thang, bàn ghế, khăn màu, và cố đặt vào trong cuộc đời, trong nơi cư ngụ của mình càng nhiều trật tự, nề nếp, sáng sủa, thuần khiết chừng nào càng tốt chừng ấy. Chính những mùi nhựa thông và hương sâm Nam Dương ở đây đã nhắc gợi cho tôi điều đó. Đây là lý do vì sao thỉnh thoảng tôi ngồi lại nơi đây chiêm ngưỡng khu vườn nhỏ thanh tịnh của trật tự nề nếp này, và thấy khoan khoái vì trật tự đó đang còn hiện hữu”.

Ông thu hút và làm tôi hứng thú. Tôi nán lại phòng ông một lúc. Từ đấy chúng tôi thường hàn huyên đôi chút mỗi khi gặp nhau trên đường phố hay trong cầu thang. Lúc đầu, cũng như khi nói chuyện cây sâm Nam Dương, tôi luôn thấy như vẻ châm biếm. Nhưng không! đối với tôi cũng như đối với cây sâm nọ, ông cảm mến thật tình, ông tỏ ra ý thức về sự cô độc của mình, về tình trạng rời bỏ đất lành để sống trong nước dữ, đến nỗi khi nhìn thấy một tập quán trưởng giả chẳng hạn như sự đều đặn đúng giờ của tôi khi đi làm, hoặc lời thưa thốt của một gia nhân hay lời nói của một người lái tàu điện, thì lòng tràn đầy khâm phục, thứ khâm phục chẳng mảy may vì châm biếm mà có. Thoạt đầu, tôi thấy điều ấy có vẻ kỳ cục và quá đáng, một sự nhẹ tính phóng túng, một sự dễ cảm quá mức. Nhưng lần hồi tôi phải tự thuyết phục mình tin rằng tận cùng nỗi cô đơn ngột ngạt của ông, tận cùng nét hoang dã của loài Sói Đồng Hoang, ông thành tâm yêu kính và ngưỡng phục cái thế giới trưởng giả nhỏ bé của chúng tôi như một cõi an toàn, vững chải, xa vời, không thể nào đạt đến được, như là quê hương và miền thanh bình mà không có lấy một con đường nào dẫn ông trở lại. Ông chào người giúp việc của chúng tôi, một người đàn bà chân chất, bằng lối ngã mũ thật sâu, tỏ lộ niềm trọng kính, và khi bà cô tôi trò chuyện đôi chút với ông, cho ông hay rằng cần vá lại quần áo hay khâu một hạt nút trên áo khoác, ông lắng nghe với rất nhiều chăm chú, cần mẫn và lễ độ đến nỗi người ta tưởng thấy ông cố gắng hết mình, cố gắng một cách tuyệt vọng để len lỏi vào cái thế giới bé nhỏ thanh bình này bằng một lỗ hổng nào đó, để được cảm thấy an tâm như ở trong nhà của mình dù chỉ trong phúc chốc.

Trong buổi chuyện trò đầu tiên của hai người trước cây sâm Nam Dương, ông đã tự mệnh danh cho mình là con Sói Đồng Hoang, chuyện ấy cũng không làm cho tôi kinh ngạc hay phiền hà. Biệt danh ấy có nghĩa gì đây? Nhưng ngay ít lâu sau đó, ông trở thành quen thuộc thân thiết với tôi; không những chỉ vì thường xuyên gặp gỡ, nhưng còn vì trong chính lòng tôi, trong thâm tâm tôi, tôi không gọi ông bằng một tên nào khác hơn tên Sói Đồng Hoang. Mãi đến hôm nay đây, tôi cũng chẳng tìm ra được một danh xưng nào thích hợp hơn thế. Một con Sói Đồng Hoang lạc lỏng giữa chúng tôi trong thành phố và trong đời sống đoàn lũ. Không một gợi danh nào sắc bén hơn thế để miêu họa một cách tuyệt diệu cái vẻ xa cách đầy nghi ngại sợ sệt của ông, tính thô bạo bất kham của ông, nỗi kinh hãi, niềm nhớ nhung hoài vọng và tình trạng lưu đày bất tận nơi con người ông.

Có một lần, tôi được dịp ngắm con Sói Đồn Hoang suốt cả buổi chiều, trong một cuộc trình diễn hòa tấu. Lúc ấy, tôi ngạc nhiên nhận ra ông khách đang ngồi không xa chỗ hiện tại của tôi là mấy, và ông không để ý nhận ra tôi. Trước tiên, ban hòa tấu chơi nhạc của Haendel, âm nhạc cao nhã và tuyệt diệu, nhưng con Sói Đồng Hoang vẫn chìm trong tư duy, không tiếp xúc với âm nhạc cũng như với người chung quanh. Giải thoát, cô đơn xa vắng, vẻ mặt lạnh lùng, tư lự, ông nhìn thẳng trước mặt. Nhưng khi nhạc đổi khúc sang một hòa tấu ngắn của Friedeman Bach, tôi rất kinh ngạc thấy kẻ lạc loài ấy mỉm cười và như buông mình vào trong sức thu hút ngay từ những tiếng nhạc đầu. Ông chìm đắm trong nội tâm và suốt trong mười phút ông tỏ vẻ đầy hân hoan, say sưa trong những mộng đẹp tuyệt vời, khiến tôi chú ý đến ông còn hơn cả để tâm nghe nhạc. Khi khúc nhạc dứt, ông choàng tỉnh nhỏm dậy, có ý muốn đi ra, nhưng lại ngồi xuống nghe nốt khúc cuối cùng, những biến khúc của Reger. Đối với phần lớn thính giả, những biến khúc đó có vẻ dài và làm nhọc trí. Con Sói Đồng Hoang cũng vậy, mặc dù lúc đầu, ông tỏ vẻ chú tâm và đầy thiện chí, sau rồi cũng lơ là, thọc tay vào túi quần và chìm trong cơn trầm tư nhưng, không hân hoan mơ mộng như lúc nào mà lại có vẻ buồn bã, và cuối cùng có vẻ như đau đớn. Mặt ông một lần nữa xám lại và dịu tắt. Ông có vẻ già cỗi, bệnh hoạn, bất mãn.

Sau buổi hòa nhạc, tôi gặp lại ông trên đường phố và đi theo ông. Trùm kín người trong chiếc áo khoác, ông bước đi, ủ dột mệt mỏi hướng về khu phố chúng tôi cư ngụ. Ông dừng bước trước một quán rượu cũ kỹ, xem giờ, lưỡng lự, rồi sau rốt bước chân vào. Chìu theo sự thúc đẩy bên trong, tôi cũng vào theo. Ông ngồi xuống một chiếc bàn trong chốn tiểu trưởng giả ấy. Người chủ quán và cô hầu bàn tiếp đãi ông theo lối khách quen. Phần tôi, tôi đến chào ông và ngồi xuống bên cạnh. Chúng tôi ở lại đó một giờ. Trong lúc tôi uống hai chai nước suối, ông gọi nữa một chai rượu rồi thêm một ly vang đỏ. Tôi bảo ông rằng tôi vừa mới nghe hòa nhạc, nhưng ông không nhúc nhích. Ông đọc nhãn hiệu trên chai nước tôi uống và hỏi xem tôi có vui lòng cho ông được mời rượu tôi không. Khi nghe trả lời rằng tôi chẳng hề dùng rượu, ông lại có vẻ mặt đáng thương và bảo: “Phải, ông có lý. Tôi cũng thế, tôi đã tiết dục hằng mấy năm, tôi cũng đã tuyệt thực hằng lúc lâu, nhưng hiện giờ tôi tự thấy số mệnh mình nằm dưới sự chi phối của tửu thần, dấu hiệu ẩm ướt và tối tăm”.

Thấy tôi tiếp nhận kiểu nói bóng gió của ông một cách thích thú và ngạc nhiên vì ông mà cũng tin vào khoa chiêm tinh, ông ta bèn dùng lại cái giọng nói quá lễ độ thường làm tôi thấy như bị xúc phạm, và bảo: “Đúng thế, đối với khoa chiêm tinh, tôi tiếc là tôi cũng không thể nào tin được nữa”.

Tôi cáo từ ông, và ông chỉ trở về nhà khi đêm đã khuya, nhưng bước chân ông vẫn như thường ngày, (ở phòng kế cận, tôi có thể biết được điều đó), nhưng còn thức thêm một giờ trong căn phòng khách thắp đèn sáng trưng.

Một buổi chiều khác mà tôi còn nhớ mãi, khi chỉ còn mình tôi trong nhà vì bà cô đã đi khỏi, có người kéo chuông gọi cửa. Tôi ra mở cửa và thấy một thiếu phụ đẹp như mộng, và khi nàng hỏi ông Haller, tôi nhận ngay ra nàng là người trong bức ảnh trên tường phòng ông. Tôi chỉ cho nàng cửa phòng rồi rút lui. Nàng ở lại một chốc trên căn gác, rồi tôi nghe tiếng họ cùng đi xuống cầu thang, ra phố; cả hai rất vui vẻ, phấn khích, vừa đi vừa chuyện trò thích thú. Quá kinh ngạc về chuyện nhà ẩn sĩ có một cô tình nhân, nhất là lại quá trẻ, quá đẹp và phong nhã, tôi không còn biết sự phỏng đoán của tôi về bản thân và cuộc sống của ông ta đi đến đâu. Nhưng một giờ sau, ông trở về một mình. Với bước chân nặng nề, đè nén khổ sở, ông lên cầu thang và đi tới lui hằng giờ trong căn phòng khách, nhẹ nhàng rón rén như một con dã thú bị giam cầm trong củi. Đèn phòng ông thắp sáng trọn đêm đó.

Tôi không biết nói gì về cuộc giao du ấy và chỉ muốn nói thêm tôi còn thấy ông đi cùng thiếu phụ một lần nữa trên đường. Họ khoác tay nhau âu yếm; ông có vẻ hài lòng, và tôi lại một lần nữa bị quyến rũ bởi nét dễ thương gần với trẻ thơ mà đôi khi tôi thấy ngời lên trên khuôn mặt ẩn tu và ảm đạm của ông, con Sói Đồng Hoang. Tôi hiểu người thiếu phụ, tôi cũng hiểu cả sự ân cần bà cô tôi dành cho ông. Nhưng rồi cũng buổi chiều hôm ấy, khi quay trở về nhà, ông lại u uẩn và đáng thương như cũ. Tôi gặp ông ở trước cửa ra vào, chai rượu Ý dấu trong áo khoác, như ông vẫn thường làm. Ông sống với nàng nữa đêm trên gác, trong chiếc hang dã thú, của mình. Tôi đã đem lòng thương xót ông nhưng mà phải nhận ra rằng ông sống một cuộc đời đơn độc, trơ trọi và vô khí lực làm sao!

Giờ đây, thôi hãy ngừng nói lan man. Những giai đoạn và những miêu tả đầy đủ làm ta hiểu rằng con Sói Đồng Hoang sống cuộc đời của một người tự tử. Tuy vậy, tôi không tin rằng ông đã tự hủy đời mình sau khi ông rời bỏ thành phố của chúng tôi để rồi biệt tăm từ đó, một cách đột ngột, không lời từ giã, nhưng đã trả đủ tiền trọ cho bà cô tôi. Sau đó, chúng tôi không hề nghe nói về ông, và chúng tôi vẫn còn giữ vài lá thư gửi đến địa chỉ ông. Ông không để lại gì cho chúng tôi ngoài tập thủ bút được viết trong thời gian lưu trú tại đây. Qua vài hàng ngắn ngủi, ông ký thác lại cho tôi và thêm rằng tôi có thể sử dụng nó trong những mục tiêu tôi thấy tốt đẹp.

Tôi không thể nào kiểm chứng xem những biến cố trong tập thủ bút của Haller đúng và thật đến mức nào. Tôi không chút nghi ngờ rằng phần lớn chúng đều là do tưởng tượng, là một bày đặt cố ý, không, đây là một cố gắng ngoại tại hóa, biểu trưng những hiện tượng nội tâm được sống trải một cách sâu xa dưới hình thức những biến cố cụ thể, nhìn thấy được. Dầu sao, những cuộc phiêu lưu mà một phần lớn rất có thể là tưởng tượng trong tập thủ bút của Haller, đã xảy ra vào khoảng cuối thời gian ẩn cư ở đây. Vì thế tôi nghĩ rằng đương sơ, thì phần lớn thực tại bên ngoài có xảy ra thật. Quả thế, trong thời gian đó, người khách trọ của chúng tôi đã thay đổi dáng vẻ và cách sống, ông rất hay ra ngoài, có khi trọn đêm; và không mó động đến sách vở. Trong những giây phút ngắn ngủi gặp ông, tôi thấy ông linh hoạt và trẻ hẳn lại một cách dị thường, có khi ông còn vui vẻ thực sự nữa. Nhưng lúc ấy lại được tiếp nối ngay bằng những trầm trệ nặng nề mới, đúng thế; ông nằm suốt mấy ngày trên giường chẳng buồn ăn. Chính trong thời gian đó, xảy ra vụ gây gỗ dữ dội, tàn bạo nữa là khác, với cô tình nhân xinh đẹp vừa mới tái hiện. Cả nhà đều bị lay chuyển vì vụ ấy, và ngày hôm sau, Haller đến tạ lỗi với bà cô tôi.

Không, tôi tin chắc rằng ông không tự tử. Ông đang còn sống, còn đang lê bước chân mệt mỏi lên những bậc thang ở đâu đây, trong những căn nhà xa lạ. Ông đang còn chiêm ngưỡng, chẳng biết là ở đâu, những căn phòng đánh bóng kỹ càng và những cây sâm Nam Dương thật tinh sạch: ông còn sống những ngày dài trong các thư viện và những đêm thâu trong các quán rượu ; ông còn nằm dài trên chiếc đi-văng, nghe thế giới và loài người sinh sống đằng sau khung cửa kính, biết tự loại trừ mình ra, nhưng không tự sát, vì còn một mẫu đức tin bé nhỏ nhủ ông rằng ông phải sống trải thấm thía nỗi đau khổ đó, nỗi khổ đau nọc độc tích chứa tận đáy lòng ông, và vì nó, vì nỗi khổ đau kia, ông phải chết.

Tôi nghĩ đến ông không nguôi. Ông đã không trả lại cho tôi cuộc sống bình dị trước đây. Ông đã không đủ quyền năng nâng đỡ và khuyến khích lòng cương nghị và yêu đời trong tôi? Ồ, không, không, trái hẳn thế. Nhưng tôi không phải là ông, tôi không sống cuộc sống của ông, tôi sống đời tôi, cuộc đời nhỏ bé, trưởng giả, tầm thường, nhưng vững chải và đầy những bổn phận. Như thế, cả tôi lẫn bà cô tôi, chúng tôi có thể nghĩ đến ông trọn vẹn tình bằng hữu và trọn vẹn niềm bình an. Phần cô tôi, bà có thể thố lộ nhiều hơn thế nữa về ông ta, nhưng bà vẫn chôn dấu trong trái tim quảng đại những bí ẩn của riêng mình.

Về những bút tích của Haller, những tưởng tượng kỳ quái độc đáo, có khi bệnh hoạn, có khi tuyệt mỹ và chứa đầy những ý tưởng, tôi phải thưa rằng giá mà chúng tình cờ lọt vào tay tôi và giả sử tôi không quen biết với tác giả, thời chắc tôi đã khinh bỉ vứt vào sọt rác. Nhưng nhờ vào những liên hệ của tôi đối với Haller, tôi có thể hiểu được đôi phần và còn tán thưởng nó nữa là khác. Tôi sẽ cứ ngại ngần mãi trong ý định muốn đem truyền đạt chúng cho những người khác, nếu như tôi chỉ thấy trong tập thủ bút những tưởng tượng mang tính chất bệnh lý của một kẻ lạc loài, một tâm hồn bệnh hoạn đáng thương. Nhưng tôi đã gặp thấy ở đó điều gì khác hơn thế, một tài liệu của thời đại chúng ta, vì ngày nay tôi biết rằng căn bệnh của Haller không phải là chứng điên của riêng một người riêng lẻ nào mà là sự rối loạn xao xuyến của cả một thời đại, chứng thần kinh loạn của cả một thế hệ trong đó có ông, và căn bệnh đó không xâm hại, ăn mòn những cá nhân yếu đuối, kém cỏi, mà lại tấn công những người mạnh mẽ nhất, những người tài trí hơn cả, những người có một trình độ trí thức cao vời nhất.

Độc lập với thực tại đã không ít thời nhiều làm nền tảng phát sinh ra nó, những bút tích này là một cố gắng vượt lên trên căn bệnh lớn của thời đại, không phải bằng cách che đậy trí trá hoặc bằng cách tô điểm vẽ vời thêm cho nó, mà bằng cách đem căn bệnh làm đối tượng cho sự thuyết minh. Theo đúng nguyên văn trong thủ bút, nó có ý nghĩa là một cuộc hành trình xuyên qua hỏa ngục, một hành trình có khi ngập ngừng do dự, có khi táo bạo gan lì, xuyên qua những xô bồ hỗn độn của một thế giới tâm linh đen tối, cuộc hành trình được thực hiện bằng một ý chí muốn băng qua hỏa ngục với bất cứ giá nào, muốn chịu đựng không nao núng cảnh hỗn mang, chịu đựng đau khổ đến cùng cực.

Một câu nói của Haller đã đem lại cho tôi yếu quyết của lời giải thích trên. Một lần nọ, khi hai người bàn đến những điều gọi là tàn bạo, dã man của thời Trung cổ, ông đã phát biểu: ” Sự tàn bạo, dã man thực ra không chỉ có một lối duy nhất. Một người thời Trung cổ sẽ kinh hãi nếp sống tân tiến của chúng ta, họ sẽ cho là nếp sống này còn tệ hại hơn hình dung từ tàn bạo nữa: nó khủng khiếp và mọi rợ. Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, mỗi truyền thống đều có phong thái riêng của mình. Nó có những tính cách dịu dàng và mãnh thú, và những cái đẹp và những sự tàn bạo, chỉ thích hợp với riêng nó. Nó nhận là tự nhiên những nỗi khổ đau nào đó, thích ứng với vài bệnh tật nào đó một cách kiên trì. Đời sống con người chỉ trở thành khổ đau thực sự, một hỏa ngục thực sự, vào buổi giao thời của hai thời đại, hai nền văn hóa, hai tôn giáo. Một người thời Thượng cổ giá như bị buộc phải sống trong thời Trung cổ sẽ bị bóp nghẹt thảm thương giống hệt một người thổ dân bị bóp nghẹt giữa nền văn minh của chúng ta. Nhưng có những thời kỳ mà cả một thế hệ bị tù hãm giữa hai thời đại, hai nếp sống, đến nỗi nó mất hết vẻ hồn nhiên, mọi đạo đức, mọi tươi nhuận của linh hồn. Tất nhiên mỗi người không cảm thấy điều ấy với cùng một cường độ như nhau. Một bản chất như Nietzche, đi trước cả một thế hệ, hẳn đã khổ đau, nỗi đau khổ mà ngày nay chúng ta đang chịu đựng; điều mà Nietzche đã nếm trải trong cô đơn, không ai hiểu thấu, ngày nay hàng ngàn người đang cảm nhận”.

Tôi thường nghĩ đến lời đó của ông khi đọc tập thủ bút. Haller là một trong những người bị nghiền nát giữa hai thời đại, bị xua đuổi khỏi mọi chốn ẩn cư và mọi niềm vô tư vô lực những người mà nghiệp dĩ của họ là phải sống cái tính cách hàm hồ, nước đôi của kiếp sống con người, tính cách hàm hồ nước đôi ấy cứ tăng lên mãi cho đến khi trạng thái bấn loạn của cá nhân, cho đến khi thành hỏa ngục.

Theo tôi đấy là ý nghĩa có thể có được của tập thủ bút này đối với chúng ta, và vì thế tôi quyết định ấn hành nó.

Ngoài ra tôi không có ý bênh vực cũng như phán xét chúng; việc đó xin để cho mỗi độc giả tự thực hiện theo ý thức và lương tâm của mình.

Thủ bút của HARRY HALLER

CHỈ DÀNH RIÊNG CHO NHỮNG NGƯỜI ĐIÊN

Một ngày đã qua như tất cả những ngày khác trôi qua, bằng cái nghệ thuật sống nhút nhát và nguyên sơ, tôi đã nhẹ nhàng thủ tiêu ngày vừa dứt, tôi có làm việc chút đỉnh và mó động đến những cuốn sách cũ; suốt hai giờ liền, tôi chịu đựng những nỗi đau đớn như những người lớn tuổi thường gặp phải, tôi uống một hoàn thuốc và hài lòng thấy cơn đau đã dịu xuống; nằm dài trong bồn tắm nước nóng, tôi khoan khoái hấp thụ hơi nóng tốt lành; ba lần trong ngày, tôi tiếp được thư và đọc nhanh qua tất cả những thư từ và ấn phẩm không cần thiết đó; tôi đã tập thở hít vào nhưng vì lười biếng, lại bỏ lơ những bài tập tinh thần; tôi đã thả rong dạo chơi suốt một giờ và nhìn thấy trên bầu trời cao thẳm những mẫu mây mởn mượt như tơ, những mẫu mây mềm mại, dễ thương và kiều diễm. Nằm ngâm mình trong bồn tắm nước nóng hay đọc những trang sách cũ, thật là thanh thản dễ chịu nhưng dầu sao, đấy chẳng phải là một ngày rạng rỡ, phơi phới niềm vui và hạnh phúc, mà chỉ là một trong những ngày từ lâu nay đã thành bình thường và quen thuộc đối với tôi: những ngày dễ chịu khoan khoái một cách chừng mực, vừa phải, những ngày ấm áp và bình phàm, có thể kham chịu được, của một ông già bất mãn; những ngày không có những nỗi đớn đau cực độ, những ưu tư thái quá, không tuyệt vọng; những ngày mà với tâm hồn bình thản, không xúc cảm, không sợ hãi, người ta bỗng tự hỏi mình một cách thực tiễn: Đây có phải là lúc nêu theo gương Adalbert Stifter, tự tử với lưỡi dao cạo râu hay chăng.

Ai đã chịu đựng những ngày hẩm hiu, với những cơn đau xé từng hồi hay chứng nhức nhối trong đầu, cứ như bấu chặt lấy đôi đồng tử và biến đổi một cách quỷ mị niềm vui thành cơn khổ hình mỗi lần mắt hay tai ta hoạt động; ai đã sống qua những ngày hỏa ngục, những ngày với nỗi chết trong hồn, những ngày tuyệt vọng và trống rỗng nội tâm, những ngày mà trên nền đất bị tàn hoại và bóc lột bởi cái xã hội lý tài, cái gọi là nền văn minh đang tỏa rạng những tia sáng nhấp nhánh bình phàm và giả mạo, đang cười nhạo vào mũi chúng ta ở mỗi bước đi, như một hoàn thuốc mửa được ngưng tập và đạt đến tột cùng sự khả ố nơi cái bản ngã thối rửa tài lụi của chúng ta, thời kẻ đó chính là người rất hài lòng thỏa mãn với những tháng ngày bình thường quen thuộc, những ngày tháng tạm tạm, vừa vừa như ngày hôm nay; lòng đầy biết ơn, y nhận ra, trong khi đọc báo, rằng đến hôm nay vẫn chưa có thêm một cuộc chiến tranh nào bùng nổ, một chế độ độc tài nào khai sinh, vẫn không phác giác được một sự việc cực kỳ đê tiện vào trong chính trường hay thương trường; lòng đầy biết ơn, y hòa dây hiệp điệu cho cây thất cầm cùn rỉ của mình tấu lên bản nhã ca diễn bày những lời tán tụng chừng mực, vui tươi một cách tầm thường, gần như là những lời mãn nguyện, với khúc ca đó, y quấy rầy vị thần của những ngày tháng bình phàm, tàm tạm, vừa vừa của mình, vị thần hiền dịu, bình thản, hơi bị cóng tê cứng đọng lại như loại xú hóa vật; và rồi trong cái bầu không khí dầy đặc nhạt phèo của nỗi thỏa mãn buồn rầu đó (mà y nên hết lòng hết dạ biết ơn) cả hai bên vị thần bình phàm, tàm tạm, lắc lư cái đầu ủ ê của mình, và con người tàm tạm, bình phàm, kẻ tóc đã hoa râm, đang hát lên một khúc ca inh ỏi, cả hai đều giống hệt nhau như hai đứa con sinh đôi.

Quả là một điều tuyệt diệu, cái tình trạng hài lòng, sự vắng bặt các nỗi đau đớn, những tháng ngày vừa phải và êm dịu trong đó cả đau khổ lẫn khoái lạc đều không dám lên tiếng kêu la, trong đó mọi thầm thì nho nhỏ và lướt đi rón rén, tránh không gây nên tiếng động, tất cả những cái đó quả là một điều tuyệt diệu. Nhưng bất hạnh thay, bản chất của tôi làm tôi không thể chịu đựng mảy may chính tình trạng thỏa mãn, hài lòng đó; sau một thời gian ngắn, tình trạng ấy làm tôi kinh tởm và khiếp sợ tột cùng; và rồi do tuyệt vọng, tôi phải tìm đến ẩn trú trong một bầu không khí nào khác, khi thì bằng con đường khoái lạc, nếu tôi có thể, khi thì bằng con đường những nỗi đớn đau nếu quả cần phải như thế. Khi trong một thời gian ngắn, tâm hồn không đớn đau cũng không vui sướng, và bị buộc phải hít thở cái không khí khả ố nhạt phèo, ấm nóng của những ngày tốt đẹp như trên đây, hoặc những ngày gọi là tốt đẹp, thì tâm hồn tràn đầy tính trẻ con của tôi lại cảm thấy mình bị sa vào một hoàn cảnh khốn khổ, một nỗi đớn đau chua xót tột cùng, đến độ tôi phải vội vớ lấy chiếc thất cầm cùn rỉ, vì tôi thành tâm khao khát một nỗi đớn đau cùng cực còn hơn là cái nhiệt độ trung bình đầy tiện nghi dễ dãi này! Tôi cảm thấy phừng phừng trong tôi một cơn khát hoang dại của những cảm giác tàn bạo phủ phàng, một nỗi căm phẫn cuồng nộ đối với đời sống ù lì vô tính, phẳng lặng, quy cũ và nghèo nàn đó, một khát vọng cuồng bạo muốn đập phá tan tành một cái gì đó, một cửa hàng lớn hay một giáo đường, hay là chính tôi, tôi muốn làm những chuyện ngốc nghếch kịch liệt, muốn nhổ bật những đầu tóc giả ra khỏi những thần tượng được tôn sùng kính cẩn, muốn giúp đỡ những học sinh nổi loạn chiếm lấy một chiếc tàu buôn, muốn quyến rũ một cô bé, hay vặn họng bất cứ kẻ nào đó đại diện cho giới trưởng giả. Vì đấy chính là đối tượng mà tôi thù ghét, nguyền rủa và phỉ nhổ từ tận nơi sau kín của lòng tôi: cái vẻ khoái lạc hớn hở, cái tình trạng khỏe mạnh, cái không khí tiện nghi, cái thái độ lạc quan chăm chút cái bộ máy sung túc dùng để nuôi dưỡng sự trung bình, sự phàm tục và sự bình thường.

Tôi kết thúc một ngày sống tầm thường trong bóng tôi đang rời, với tâm trạng như thế. Lẽ đáng tôi đã có thể sống nốt ngày hôm nay theo lối bình thường thích hợp với một người đã chịu đựng khá nhiều đau đớn nghĩa là bằng cách buông mình xuống chiếc giường đã làm sẵn, có đặt một chiếc lồng ấp sưởi chân thay cho mồi ngon dụ hoặc; nhưng không, tôi lại mang giày, nhăn nhó, bất mãn, ghê tởm cái nếp sinh hoạt lao khổ thường ngày của tôi, tôi khoác áo vào bước ra đêm tối và sương mù, để đến quán rượu Kết Bạc uống cái thứ mà những tay nhậu ở đó đồng lòng gọi là “một ly rượu nhỏ”.

Tôi bước xuống bậc thang, những bậc thang rất khó leo, thẳng đến căn gác xép của tôi, những bậc thang kỳ dị, quá trưởng giả, quá sạch sẽ của căn nhà không chê trách vào đâu được mà tôi dùng làm hang trú ẩn. Tôi không hiểu sự thể ấy diễn ra thế nào, nhưng tôi, con Sói Đồng Hoang, kẻ vô tổ quốc, người cô đơn khinh bỉ cái thế giới tiểu trưởng giả, tôi lại luôn cư ngụ đúng ngay trong những ngôi nhà trưởng giả thanh lịch do bởi một thứ tình cảm đã xưa. Tôi chẳng hề cư ngụ trong những khu lữ quán hay những khu vô gia cư của những người lao động vô sản, mà cư trú đúng vào những chiếc tổ bé nhỏ và sang trọng, rất mực tiện nghi, rất mực buồn nản mang một vẻ sạch sẽ thật hoàn toàn, những chiếc tổ hơi tỏa ra mùi xà phòng và dầu nhựa thông, nơi mà người ta e sợ khi phải đóng cửa lại quá ầm ỉ hay bước vào với đôi giày lấm bùn.

Chắc chắn tôi đã yêu thích cái bầu không khí trưởng giả này từ thời niên thiếu và nỗi hoài vọng thầm kín của tôi đối với những gì tương tự một tổ quốc đã luôn luôn đưa dẫn tôi trở lại một cách vô vọng với những điều ngô nghê ngớ ngẩn cũ xưa đó. Vâng, đúng thế, tôi cũng yêu sự tương phản giữa một bên là đời sống vô trật tự, cô đơn, bị xua đuổi và không tình thương với cái môi trường quen thuộc và trưởng giả đó. Thật thanh thản khi hít thở thấy nơi cầu thang cái mùi vị mà mặc dầu thù hận những người trưởng giả vẫn gợi lên nơi lòng tôi một nỗi gì xúc động, nhưng tôi cũng ưa bước qua ngưỡng cửa phòng tôi, nơi mà tất cả những cái đó thình lình biến dạng, nơi mà những mẫu thuốc, những chai rượu vung vãi giữa những đống sách, nơi mà tất cả đều bộc lộ tình trạng hỗn loạn, bị bỏ lăn bỏ lóc, thiếu tiện nghi, nơi mà những cuốn sách, những bản thảo, những tư tưởng đều được ghi dấu và tràn đầy bằng nỗi đớn đau của con người cô đơn, những vấn đề về bản thể, nỗi khát khao hoài vọng muốn ban một ý nghĩa mới cho cuộc đời này đã trở thành phi lý.

Tôi đang bước ngang qua một cây sâm Nam Dương. Đây là tầng lầu thứ nhất, trước cửa một căn nhà có lẽ còn toàn hảo, sạch sẽ và bóng loáng hơn những căn phòng khác, vì đầu cầu than luôn tỏa rạng nhờ một sự lau chùi tỉ mỉ quá sức người, đấy là một ngôi đền nhỏ của thần trật tự. Trên một rầm nhà bằng ván làm e sợ ai muốn đặt chân vào, người ta nhìn thấy hai chiếc ghế đẩu cao cẳng xinh xắn; mỗi chiếc ghế nâng một cái bình lớn trồng một cây Đỗ quyên và một cây sâm Nam Dương. Cây sâm này là một cây con, vóc vạc khá lớn, thẳng và rắn rỏi, mang một vẻ hoàn hảo tuyệt đối, và ngay cả đầu mút của chiếc cành nhỏ bé nhất cũng được chăm chút lau chùi thật sạch. Đôi khi, biết rằng không bị ai để ý, tôi lại biến chỗ đầu cầu thang này thành một ngôi thánh điện, tôi đến ngồi nơi một bậc thang ở bên trên cây sâm, tâm trí thanh thản đôi chút, và hai tay chắp lại, tôi sùng mộ chiêm ngưỡng cái khu vườn nhỏ tượng trưng cho trật tự đó, và không biết vì sao, cái vẻ chăm chú tẩn mẩn làm động lòng người và vẻ cô đơn buồn cười của khu vườn đó cứ xâm chiếm lòng tôi. Tôi đoán rằng sau khu đầu thang phòng đầy đồ đạc bằng gỗ đào hoa tâm bóng nhoáng, đầy những thái độ thanh nhã, đầy sức khỏe, đầy những buổi thức dậy sớm mai, những bổn phận hoàn tất, những cuộc lễ gia đình vui tươi chừng mực, những buổi đi nhà thờ chúa nhật với quần áo lễ và những buổi đi ngủ sớm.

Với một bộ dạng vui tươi giả tạo, tôi rảo bước trên những con đường nhựa ẩm, những tia sáng lờ mờ ẩm sương mù và nước mắt của những chiếc đèn hơi xuyên qua một khung cảnh màu xám nhấp nhánh nước, và phản chiếu lại trên mặt đất ướt đẫm những tia thiểu não. Những tháng năm thơ ấu đã bị lãng quên lại trở về trong trí tôi. Vào thuở ấy, tôi đã yêu mến say sưa những buổi chiều thu muộn, những buổi chiều đông tối tăm và buồn bã với cơn choáng váng, tham lam đầy hồn, tôi nếm trải những cảm giác u sầu, cô đơn cùng độ. Có những đêm trùm kín người trong chiếc áo khoác, tôi băng qua khắp chốn thiên nhiên thù nghịch, hủy hoại dưới cơn mưa và giông tố. Lúc ấy tôi cũng đã cô đơn trơ trọi như giờ đây lòng tràn đầy hân hoan sâu thẳm, lan man những bài thơ mà sau đó, ngồi ở thành giường trong phòng nhưng tôi nghệch ngoạc ghi lại dưới ánh sáng chập chờn của ngọn nến.

Nhưng thôi, thời niên thiếu ấy đã qua rồi, chén rượu đời, tôi đã nốc cạn và sẽ không bao giờ đầy lại nữa. Tôi hối tiếc chăng? Không. Tôi không hối tiếc bất cứ chuyện gì trong quá khứ. Tôi chỉ hối tiếc cái khoảnh khắc hiện tại và ngày hôm nay đây, tất cả bao nhiêu là giờ khắc và ngày tháng đã mất tăm đã được tôi chịu đựng sống trải mà chẳng hề mang đến cho tôi một tặng phẩm hay một sự rối loạn. Nhờ ơn Chúa, thỉnh thoảng – nhưng thật là những ngoại lệ hiếm hoi và tuyệt mỹ – thỉnh thoảng cũng có những giờ phút đập vỡ tù ngục vây hãm và nhìn tôi, kẻ lạc lỏng xa lạ, vào giữa lòng sinh động của vũ trụ. Lòng buồn bã và xúc cảm sâu xa, tôi tìm cách gợi lại cái cảm xúc sau cùng thuộc loại này. Dịp đó là vào một buổi hòa nhạc, ban nhạc trình diễn những bản cổ điển tuyệt diệu; và, giữa hai nhịp của một bản nhạc chơi bằng dương cầm, cánh cửa của cõi bên kia đã lại đột nhiên mở toang ra cho tôi; tôi chạy suốt cả mấy tầng trời và nhìn thấy Thượng Đế đang sáng tạo; tôi chịu đựng những nỗi đau khổ hoan lạc, tôi chẳng còn cưỡng chống lại bất cứ điều gì, tôi chẳng còn sợ hãi bất cứ điều gì trên trần thế, tôi nói lời ưng thuận với tất cả, tôi buông thả lòng mình. Trạng thái đó không kéo dài, có lẽ chỉ dừng một khắc đồng hồ, nhưng ban đêm, nó lại hiện ra trong giấc mộng. Kể từ lâu, xuyên qua tất cả những tháng ngày ảm đạm tôi đang sống đậy, thỉnh thoảng tôi lại nhìn thấy lóe ra tia sáng mập mờ đó, tôi phân biệt được tia sáng ấy rất rõ, trong suốt những phút liền, nó băng qua đời tôi như một dấu tích linh thiên, nó hầu như luôn bị vùi lấp dưới bùn nhơ bụi bẩn, rồi đột nhiên lan chảy ra thành những tia vàng óng, có vẻ như không thể nào mất được nhưng rồi liền ngay đó, lại biến mất đi.

Có lần tỉnh dậy ban đêm, tôi đột nhiên đọc lên những lời thơ quá mỹ lệ và lạ lùng nên không nghĩ đến chuyện ghi lại; sáng hôm sau, tôi chẳng còn nhớ được chữ nào, nhưng tuy thế, tôi cảm thấy chúng đang ẩn kín trong tận cùng bản thể tôi như một quả cây nặng chỉu dấu trong một lớp vỏ mỏng manh, già cỗi. Một lần khác, ánh sáng yếu ớt ấy lại tái hiện trong khi tôi đang đọc thơ của một thi sĩ, đang suy niệm một tư tưởng của Descrtes, Pascal; một lần khác nữa, ánh sáng yếu ớt ấy phát ra khi tôi đang ở tại nhà người nhân tình, và đưa dẫn tôi đến tận đáy cao của những tầng trời dài theo một vạch vàng sáng chói. ÔI! Thật quá khó khăn khi muốn tìm gặp lại cái dấu tích thần linh ấy trong cuộc đời mà chúng ta đang sống, trưởng giả tầm thường, quá sức thiếu thốn những giá trị tinh thần trước mặt những kiến trúc lớn lao, những công chuyện, chính sách, những con người thế kia! Làm thế nào để khỏi phải là con Sói Đồng Hoang và một nhà ẩn sĩ khó tính giữa lòng một thế giới mà tôi chẳng chút chia sẻ những tham vọng cũng chẳng chút tán thưởng những khoái lạc! Tôi chẳng thể ngồi lâu trong một rạp chiếu bóng, một rạp hát; tôi khó khăn lắm mới có thể đọc một cuốn sách của người đương thời; tôi chẳng hiểu loài người tìm kiếm loại khoái lạc nào trong những khách sạn và những chuyến xe hỏa đầy ứ người , trong những quán cà phê đen nghẹt khách hàng , khi nghe những âm thanh của một bản nhạc cuồng nhiệt , trong các quán giải khát , các hộp đêm , các thành phố phồn hoa , các cuộc triển lãm quốc tế , các buổi diễn thuyết dành riêng cho những người nghèo kém về trí tuệ thèm khát được học hỏi , những đám hội rước , những cuộc chạy đua trong vận động trường : tất cả những thú vui kể trên , những vui thú mà tôi sẽ đạt được dễ dàng và hằng vạn người khác thèm thuồng đeo đuổi với rất nhiều cố gắng , tôi chẳng thể hiểu nổi và chia sẻ được với họ .

Bù lại , những gì xảy đến cho tôi trong những giờ phút khoan khoái hiếm hoi đó , những gì gợi ra trong tôi xúc cảm , hân hoan , xuất thần và thăng hoa , thì mọi người lại không biết đến , lại chạy trốn nó , hoặc cùng lắm họ chỉ dung thứ cho phép nó xuất hiện trong thi ca ; còn trong đời sống họ xem đó là điên khùng . Quả thế , giá như đám đông có lý , giá như cái thứ âm nhạc của những quán cà phê , những thú vui tập thể , những con người bị Mỹ hóa kia , những con người thỏa mãn hài lòng với những gì không đâu , mà có lý , thì chính tôi là kẻ đã lầm lẫn , kẻ điên rồ , là con Sói Đồng Hoang , một con vật lạc lỏng trong một thế giới xa lạ và khó hiểu không còn tìm lại đâu được nữa cái không khí nó đã từng hít thở , thực phẩm đã nuôi dưỡng nó và quê hương yêu dấu.

Bị xâu xé bởi những suy tư quen thuộc này , tôi bước đi theo những con đường ẩm ướt , xuyên qua một trong những khu phố cổ kính và tĩnh mịch nhất thành phố . Ở bên kia con lộ , trước mặt tôi , trong bóng tối nổi lên một bức tường cũ kỹ bằng đá mà trước đây tôi thường hay thích chiêm ngắm : bức tường vẫn luôn luôn ở đấy , cũ hư và tĩnh mịch , xây giữa giáo đường nhỏ và một bệnh viện xưa , thường khi vào ban ngày mắt tôi cứ nhìn lâu trên cái bề mặt xù xì thô nhám của bức tường , quả thật ít có những bề mặt thanh bình và câm lặng như bức tường trên đây , giữa lòng một thành phố mà cứ từ quảng ngắn nối tiếp nhau người ta lại gặp thấy một nhà buôn , một trạng sư , một nhà phát minh , một ông y sĩ , một bác thợ hớt tóc hoặc một người trị bệnh về chân cứ phơi bày dàn trải tên tuổi mình ra .

Chuyên mục:Uncategorized
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này